10 sai lầm các thợ nail hay mắc phải khi làm móng (P1)

05-10-2017
Không chỉ có những thợ nail mới vào nghề dễ mắc sai lầm khiến dịch vụ móng bị hỏng mà cũng có rất nhiều thợ nail lâu năm, ỷ lại vào kinh nghiệm của mình mà trở nên hời hợt hay “sáng tạo” quá mức cho phép và mắc phải nhiều sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và hình ảnh của salon.

Dù là do thợ nail thiếu kinh nghiệm hay có thói quen xấu khi làm móng thì 10 sai lầm sau đây đều sẽ mang đến rất nhiều phiền phức cho các thợ nail về sau. Hãy cùng Thepronails tìm hiểu những sai sót này là gì cũng như thẳng thắn thừa nhận những lỗi sai này để thay đổi và mang đến những dịch vụ tốt hơn cho khách hàng của mình!

 

1. Làm khô sản phẩm móng sai cách

 

Tất cả các thợ nail lành nghề đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc hong khô móng đúng cách, tuy nhiên vì một vài lý do nào đó mà chuyện này vẫn xảy ra. Việc làm khô móng đúng cách rất cần thiết và nó là trách nhiệm của người thợ nail. Theo Dough Schoon – nhà hóa học công nghiệp, nhà văn và nhà giáo dục cho biết: “Hai lỗi phổ biến nhất là dùng quá nhiều monomer và chọn sai đèn hong khô móng.”

 

Các sản phẩm làm móng đã khô thường không gây ra dị ứng -  mà vấn đề nằm ở việc các sản phẩm móng vẫn chưa khô hay bị hong khô quá mức rồi tiếp xúc với da trong một thời gian dài. Khi gel UV không được khô đều, nó có thể gây ra các nguy cơ dị ứng cho cả khách hàng và thợ nail. Nếu lớp sơn quá khô, khách hàng có thể bị hỏng phần đĩa móng (nail plate) và giường móng (nail bed) bởi vì lớp sơn rất khó lấy ra khi tẩy móng. Nó cũng có thể làm bỏng phần giường móng, để lộ ra phần đĩa móng khiến nguy cơ nhiễm trùng diễn ra cao hơn. 

 

2. Không làm theo chỉ dẫn

Độc lập luôn là một đức tính tốt cần phải phát huy, tuy nhiên với việc làm móng thì lại hoàn toàn khác. Các thợ nail không nên ỷ lại vào kinh nghiệm làm việc của mình mà sử dụng hay trộn các sản phẩm làm móng một cách tùy hứng, không theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Có nhiều thợ nail tự hào khoe rằng mình đã tìm ra những cách sử dụng tốt hơn so với các chỉ dẫn của nhà sản xuất nhưng chuyện này thật ra cực kỳ mạo hiểm. Ví dụ như khi họ gây ra sai sót trong quá trình làm móng, các thợ nail tận dụng sơn bóng, sơn lót hay hơ móng trước đèn để “chắp vá” những lỗi này và mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nếu có sự cố nghiêm trọng với khách hàng, các thợ nail sẽ bị kiện và chẳng có nhà sản xuất nào chịu giúp đỡ vì rõ ràng là do bạn đã không làm theo hướng dẫn của họ.

 

3. Làm ngơ trước các triệu chứng bất thường

Khi khách hàng nói rằng móng của họ đang bị đau nhức, bạn nên quan sát các dấu hiệu sưng đỏ hay tróc móng bất thường và tìm hiểu nguyên nhân chứ không nên bỏ qua và làm móng như thường. Đây cũng là lúc phát huy các kinh nghiệm và kiến thức về móng của các thợ nail, một người thợ giỏi sẽ quan sát cẩn thận các triệu chứng của khách và tìm ra căn bệnh cũng như nguyên nhân gây ra nó.

 

Chúng ta đều biết việc tiếp xúc với móng chưa khô trong thời gian dài có thể gây ra dị ứng vì vậy khi nhìn thấy các dấu hiệu này, thợ nail phải tìm cách khắc phục vấn đề ngay lập tức. Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng chủ yếu là do thợ đắp bột quá mỏng khiến các sản phẩm làm móng tiếp xúc mạnh với giường móng hoặc cũng có thể do móng chưa được hong khô đều.

 

4. Đổ lỗi cho khách hàng hay sản phẩm

 

Các thợ nail không nên đổ lỗi cho khách hàng hay sản phẩm nếu các sai sót khi làm móng là do thiếu kinh nghiệm hay lỗi kỹ thuật ở bản thân. Nhiều thợ có thể dễ dàng nhìn thấy móng sau khi làm xong bị quá dính hay quá khô nhưng lại giải thích với khách là do sơn gel. Nhưng theo School thì “móng quá khô” là kết quả của việc đắp bột quá dày hay tháo móng bột không đúng cách. Bạn nên giũa móng nhẹ để tháo sản phẩm hay giũa móng nhẹ nhàng và đều khi đắp móng, đây là công việc cần phải có kỹ thuật và tỉ mỉ nên nếu “móng khô” cũng đồng nghĩa với việc “móng bị hỏng”.

 

Một điều nữa để tránh “móng khô” là sử dụng các sản phẩm có chất lượng và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu có quá nhiều khách hàng phàn nàn về chuyện móng khô, bạn nên đánh giá lại quá trình thực hiện của mình và điều chỉnh sớm nhất có thể.

 

5. Lạm dụng các sản phẩm tẩy da sần

Việc lấy lớp da chai sần ở chân là để giúp da được mềm mại hơn nhưng không có nghĩa là bạn phải loại bỏ nó hoàn toàn – vì điều này có thể khiến lớp da non bị lộ ra ngoài và dễ bị tổn thương. Khi thoa dung dịch “callus remover” lên da, bạn chỉ nên để khoảng 5 phút rồi tẩy sạch chứ không được để quá 10 phút và chỉ được dùng với mục đích duy nhất là tẩy da sần. Một vài thợ nail sau khi thoa dung dịch tẩy da sần thì lại dùng bao nhựa trùm kín chân để sản phẩm “hoạt động nhanh hơn” nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm vì dung dịch này rất mạnh và có thể gây dị ứng, rát đỏ nghiêm trọng cho da nếu tiếp xúc lâu.

 

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về những sai lầm phổ biến của các thợ nail để tìm cách thay đổi và khắc phục nhằm mang lại những dịch vụ chất lượng và an toàn nhất cho các khách hàng của mình.

Thepronails.com

Copyright © Thepronails.com 2024. All Rights reserved.