10 sai lầm không ngờ khiến tài chính của salon bị “rút cạn” (P2)

05-03-2018
Trong phần 2 này, chúng ta sẽ tiếp tục tham khảo một số phương pháp khác mà các salon nên áp dụng để tiết kiệm chi phí cũng như củng cố nguồn tài chính của salon ngày một vững mạnh hơn.

Việc trở thành chủ một tiệm nail thành công không hề đơn giản và đôi khi bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề về tài chính, ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại của salon. Và để tránh những rắc rối đó thì việc hạn chế những thất thoát về tiền bạc chính là biện pháp bảo vệ salon của bạn hiệu quả nhất, theo các chuyên gia tư vấn tài chính trong ngành, có một số vấn đề mà các salon vẫn thường hay mắc phải khi quản lý tiệm nail!

 

6. Chỉ mua sản phẩm mà không trang bị kiến thức cần thiết

 

Việc đầu tư vào các sản phẩm gel có thể mang đến cho bạn nhiều khách hàng hơn; tuy nhiên, nếu bạn không hiểu rõ những đặc điểm của các loại sản phẩm này, bạn có thể gặp phải nhiều rắc rối. Mỗi loại gel cần phải được sơn theo những cách riêng biệt trong khi một số khác lại cần có các bước chuẩn bị trước. Bạn không nên cho rằng, tất cả các sản phẩm lúc nào cũng sử dụng như nhau. Cách hiệu quả nhất để tiết kiệm thời gian và tiền bạc là dành thời gian để tìm hiểu về sản phẩm cũng như đọc các hướng dẫn sử dụng chúng thật cặn kẽ. Đừng nên đổ lỗi cho sản phẩm nếu một trong những dịch vụ của bạn bị hỏng chỉ vì “thiếu kiến thức” về nó. Khi đã nắm rõ về từng loại sản phẩm và thực hiện bài bản từng bước một khi thực hiện dịch vụ, bạn sẽ giải quyết các lỗi phát sinh một cách nhanh chóng cũng như tạo được sự tin tưởng ở khách hàng nhiều hơn.

 

7. Dành quá nhiều thời gian để “sửa” dịch vụ

Không ai muốn phải liên tục sửa chữa hay phải làm lại toàn bộ dịch vụ, nhất là khi các thợ nail đều kín lịch hẹn. Chính vì vậy, bạn phải hiểu rõ các thao tác cần thiết của mỗi loại sản phẩm khi thực hiện dịch vụ. Ngoài ra, các thợ nail cũng đừng quên “cố vấn” cho các khách hàng để họ có thể chăm sóc và bảo vệ móng của mình tốt hơn khi về nhà. Việc sở hữu những bộ móng hoàn hảo cần phải có “sự hợp tác” của cả thợ nail và khách hàng; thợ nail hoàn thành công việc của mình ở salon và khách hàng nhận trách nhiệm “bảo vệ” cho các tác phẩm đó.

 

Nếu hơn 15% khách hàng của salon của bạn liên tục gặp phải một vấn đề giống nhau thì đã đến lúc bạn phải thực hiện dịch vụ đó theo một cách khác thích hợp hơn. Không phải móng tay của khách hàng nào cũng sẽ bị “hở” hay dễ bị tróc. Nói tóm lại, nếu trong một ngày kinh doanh có từ 1-3 khách hàng cần phải “repair” vậy thì bạn phải nghĩ đến khả năng là, những khách hàng này đã không có phương pháp chăm sóc móng cẩn thận khi về nhà hơn là lo lắng về kỹ thuật làm móng của bạn.

 

8. Luôn miễn phí cho gia đình và bạn bè

 

Bạn không phải là “đại gia” và vẫn phải trang trải rất nhiều chi phí để duy trì công việc kinh doanh của mình. Việc làm nail cho gia đình và bạn bè cũng sẽ tốn thời gian và tiền bạc như với bất kỳ vị khách nào khác. Nếu như là vì “trao đổi” - chẳng hạn như bạn sẽ làm nail cho chị của mình hôm nay và cô ấy sẽ làm “babysister” cho bạn vào ngày mai thì đó lại là chuyện khác. Tuy nhiên, đối với những người hay đòi hỏi, chỉ muốn được làm miễn phí hay giảm giá và bạn không bao giờ từ chối các yêu cầu này vậy thì chính bạn là người đã làm “cạn kiệt” nguồn thu của salon. Bạn làm nail là để kiếm sống, không phải để “tặng quà” cho mọi người.

 

Hãy thực tế! Không phải vì bạn tính toán hay ích kỷ mà là vì “kinh doanh là kinh doanh”. Quan trọng là, nếu thật sự là những người quan tâm đến bạn và công việc của bạn, họ sẽ vui vẻ trả tiền và trân trọng công việc của bạn thay vì chỉ chăm chăm vào “sự thân thiết” để được làm nail miễn phí bất cứ khi nào đến tiệm.

 

9. Để tình trạng đến trễ và “no-show” diễn ra thường xuyên

Tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của salon theo nhiều cách khác nhau. Nếu khách hàng đến trễ, những cuộc hẹn tiếp theo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu cứ để khách phải thường xuyên chờ đợi thì khách sẽ cảm thấy khó chịu vì bạn đang làm lãng phí khoảng thời gian quý báu của họ. Chính vì vậy, bạn nên xây dựng những quy định riêng của salon như: nếu khách đến trễ 15 phút thì dịch vụ của họ sẽ bị “giản lược” bớt một số bước - như massage hay vẽ móng. Khi khách trễ hơn 15 phút, thì cuộc hẹn cần phải được xếp lại và bạn nên “phạt tiền” vì khách đã bị nhỡ cuộc hẹn với salon.

 

10. Có những nhân viên như “zombie” hay “không thành thật”

Ảnh: What's on TV

 

Sự có mặt của những nhân viên không có động lực làm việc, không có sức sống hay thường xuyên nói dối cũng được xem là nguyên nhân “rút cạn” nguồn tài chính của salon. Nếu bạn đang nghi ngờ ai đó hay “táy máy tay chân” hay liên tục nói dối thì đây chính là vấn đề nghiêm trọng. Hãy bình tĩnh tìm hiểu và “thu thập” chứng cứ sau đó có một buổi nói chuyện riêng với nhân viên này để quyết định có nên giữ lại hay phải sa thải người này để họ không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của salon. Bạn nên nhớ rằng, nếu cứ “mềm lòng” thì rất có thể một lượng lớn sản phẩm hay tiền mặt của bạn sẽ “không cánh mà bay”!

 

Đối với những nhân viên như “xác sống” chỉ làm việc để kiếm tiền mà không có động lực làm việc thì cách xử lý sẽ dễ dàng hơn một chút. Bạn có thể mang đến “sức sống mới” cho họ bằng việc ủng hộ tham gia các lớp học nâng cao kỹ năng, các lớp truyền cảm hứng hoặc có một buổi nói chuyện riêng để cùng nhau tìm ra nguyên nhân và giải pháp để thay đổi tình trạng chán nản của họ.

 

Công việc quản lý tiệm nail vốn dĩ vô cùng phức tạp nhưng cũng không phải là chuyện quá sức nếu bạn thật sự tâm huyết với nó. Hãy thử những cách khác nhau để nâng cao tinh thần của nhân viên và mang đến một hình ảnh hoàn hảo nhất cho salon của mình!

Thepronails.com

Copyright © Thepronails.com 2024. All Rights reserved.