Cách thiết lập bảng giá và xây dựng các gói dịch vụ làm móng cho tiệm nail
Nhiều chủ và thợ nail mới vào nghề, do chưa nắm bắt hết tâm lý khách hàng nên khi có khách yêu cầu làm là nhận hết mọi dịch vụ, tới lúc tính tiền phục vụ thì tỏ ra lúng túng do khách nghĩ tính một kiểu trong khi mình lại tính theo cách khác. Đây là trường hợp xảy ra tại nhiều tiệm nail, nguyên nhân là do tiệm không đưa ra cách thức tính chuẩn chung mà mỗi nơi tính giá làm móng khác nhau, sử dụng một hay nhiều dòng sản phẩm cũng khác nhau. Vì vậy ngay từ đầu, chủ tiệm hãy thiết lập chi tiết bảng báo giá và xây dựng những gói dịch vụ làm móng hợp lý cho riêng mình để tránh xảy ra bất đồng trong quá trình thanh toán giữa bạn và khách hàng.
Xây dựng bảng giá gồm việc định giá cho từng gói dịch vụ làm nail và thiết kế các loại bảng giá, như bảng cập nhật trên website, in ra catalogue quảng cáo dịch vụ hay đưa vào quyển menu báo giá đặt tại cửa tiệm. Bảng giá cũng cần được thiết kế nhẹ nhàng, mang phong cách độc đáo, phù hợp với tông màu chủ đạo của tiệm và logo thương hiệu. Bảng giá niêm yết tại nhiều nơi phải đồng nhất và khi có sự thay đổi phải cập nhật mới đồng loạt.
Cách thiết lập bảng giá
Để định hình vị trí và thương hiệu, bạn cần đưa ra bảng giá phù hợp như nhắm vào thị trường giá rẻ, khách sang hay khách tầm trung. Nếu như có ý định chỉ mở một cửa hàng thì bạn cần lưu ý đến vị trí cửa tiệm nằm ở đâu để đề ra các tên gói dịch vụ thích hợp. Ví dụ cửa tiệm đặt ở phố nhiều khách nước ngoài và nhiều sản phẩm cao cấp thì bảng giá nhắm vào gói dịch vụ cao cấp, sản phẩm phải có chất lượng tương xứng.
Nếu cửa tiệm nằm gần khu vực sinh viên, chợ, khu dân cư vãng lai thì dịch vụ có phần đơn giản hơn, và họ sẽ chuộng giá rẻ hơn. Họ ưu tiên chăm sóc móng, sơn thường hoặc sơn gel chứ ít khi dùng dịch vụ cao hơn như đắp bột, đắp hoa nổi… và các kỹ thuật công nghệ mới như gel vẽ nổi, ombre… Đặc biệt, sau khi vẽ móng thường có xu hướng trang trí nhẹ nhàng như đính đá, nhũ, xà cừ, hoa làm sẵn…, chủ yếu là các mẫu thiết kế chỉ cần đáp ứng đủ tiêu chuẩn sáng tạo và hợp phong cách.
Trong khi đó, cửa tiệm tọa lạc tại chỗ có nhiều dân tri thức, nhiều cao ốc văn phòng thì bạn có thể làm bảng giá tầm trung, khách cũng yêu cầu đơn giản nhưng đã nhận tiền thì phải làm dịch vụ cho tương xứng với số tiền khách bỏ ra. Họ sẽ chú trọng nhiều vào trang trí, văn hóa cửa tiệm, vệ sinh, thái độ lịch sự của nhân viên và tư vấn minh bạch giá cả của từng gói dịch vụ làm đẹp.
Với những ai muốn mở chuỗi cửa tiệm thì ban đầu có thể áp dụng giá cho một tiệm đầu tiên để khách nắm rõ, nên xây dựng bảng giá tầm trung, không quá cao mà cũng không quá thấp, trong bảng giá đưa thêm tùy chọn dịch vụ cao cấp để khách nếu muốn trải nghiệm thì có thể trả thêm phí. Sau đó cũng tùy vào từng địa điểm, khu vực mà ta áp dụng nhiều chương trình ưu đãi tương ứng, như ở khu dân cư tiến hành giảm giá tới 40%-50%, khu vực tầm trung thì giảm giá ít từ 10%-20%.
Giá cả là do bạn tùy định mức nhưng nên tham khảo thị trường rồi dựa vào mức giá chung, xem xét chất lượng sản phẩm mình sử dụng mà cân đối giữa việc tăng hoặc giảm phí dịch vụ. Quan trọng là bất kể sự thay đổi nào về giá cũng cần được thông báo rõ ràng và kê khai chi tiết đến khách hàng, cập nhật trên toàn hệ thống để họ không thấy hụt hẫng khi vừa bước chân vào tiệm.
Bảng giá áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng
Các chủ tiệm thường liệt kê dịch vụ trọn gói hay dịch vụ riêng lẻ trong bảng giá. Đối với khách mới vào làm, bạn cần ngồi lại nói rõ giá với họ, cách tính giá của tiệm mình để tránh trường hợp khách so sánh cái được và mất giữa tiệm này với tiệm kia.
Ngoài ra, bảng giá cũng thường được áp dụng giảm giá cho nhiều loại khách hàng gồm khách hàng thân thiết, VIP. Tiêu chuẩn để đạt đến mức độ khách hàng nào là do bạn quy định, từ đó đề xuất giá khuyến mãi, giảm bao nhiêu phần trăm trên bảng giá chính thức của tiệm.
Nếu không phải vì thay đổi dòng sản phẩm thì bạn cần nhanh chóng đưa ra bảng giá chính xác nhất và thay đổi ít lần nhất, để khách hàng quen thuộc hay sử dụng dịch vụ không cảm thấy bị hụt hẫng, tạo niềm tin và uy tín trong lòng khách rằng thương hiệu của bạn vẫn ổn định, và cung cấp đúng giá dịch vụ để họ yên tâm sử dụng.
Mỗi lần tăng hoặc giảm giá thì không nên tăng giảm quá 15% giá gói dịch vụ, nên giảm giá khi thị trường có xu hướng chậm chung và giá sản phẩm ổn định hoặc giảm, tăng giá khi thị trường ổn định hoặc phát triển, hoặc cảm thấy dịch vụ của bạn ngày càng gia tăng chất lượng phục vụ khách hàng như chế độ chăm sóc tốt hơn, có nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn, có đông đảo các thợ nail chuyên nghiệp với tay nghề thành thạo để tạo ra những bộ móng tuyệt đẹp.
Xây dựng gói dịch vụ làm móng
Có nhiều cách xây dựng gói dịch vụ, dựa trên bảng giá gốc nhưng cách tách gộp rất khéo léo kết hợp câu chữ giới thiệu có thể thu hút khách hàng ngay từ lần đầu tiên tham khảo. Với khách hàng trung thành, có thể kích thích khách đến sử dụng đều đặn dịch vụ để được ưu đãi giá bằng cách đưa ra combo các dịch vụ cùng lúc, combo gói sử dụng theo tuần, tháng… Khách đến đúng kỳ là ta đã tận dụng triệt để mặt bằng và nhân sự khi hoạt động hết công suất, khách lại được lợi khi cộng gộp cả quá trình dùng dịch vụ.
Mục tiêu của việc xây dựng gói dịch vụ làm đẹp là tận dụng nhân lực lúc nhàn rỗi khi nguồn khách đều hơn, giảm tiền cho khách nhưng giá trị vẫn được bù nhờ số lần khách đến làm nhiều hơn, tức bạn dễ kiểm soát phí thu vào hơn đồng thời tạo thói quen cho khách thường xuyên đến tiệm.
Thepronails.com