Kế hoạch tuyển dụng và đào tạo nhân viên lễ tân salon (P2)
Tiếp nối với các chiến lược tuyển dụng nhân viên lễ tân ở phần trước, trong phần này Thepronails sẽ cung cấp cho các bạn thêm một số thông tin về việc đào tạo kỹ năng và tận dụng công nghệ hỗ trợ để nhân viên lễ tân có thể làm việc một cách hiệu quả nhất và trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển chung của toàn salon:
3. Khuyến khích khách hàng để lại đánh giá về salon
Khu vực lễ tân ở salon là một nơi lý tưởng để các khách hàng có thể đánh giá về salon của bạn. Tất nhiên là những điều này sẽ dẫn đến những thay đổi tích cực, giúp salon thu hút khách hàng mới và kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.
Những đánh giá trực tuyến (online review) là một công cụ marketing hiệu quả mà các salon thành công sẽ không bao giờ xem nhẹ! Một số khách hàng tránh đánh giá trực tuyến vì không rành công nghệ và các nhân viên lễ tân có thể giúp bạn thực hiện công việc này. Họ sẽ đề nghị khách thực hiện đánh giá, giải thích cách sử dụng và đăng “review” như thế nào. Khi nhắc đến đánh giá trực tuyến thì SalonSpy là một công cụ tuyệt vời bởi nó sẽ tự động gợi ý một đoạn đánh giá sẵn cho khách hàng sau khi họ đặt lịch hẹn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các phần mềm như i-Salon hay Salon Genius – vốn tích hợp nhiều tính năng tương tự và còn miễn phí nữa.
4. Giải quyết ổn thỏa mọi lời phàn nàn từ khách hàng
Dù những lời phàn nàn của khách hàng có thể vô lý và kỳ lạ đến đâu thì các chủ salon cũng nên tìm cách giải quyết êm đẹp nhất. Nếu lỗi xuất phát từ nhân viên của tiệm thì bạn cũng nên thẳng thắn thừa nhận và xin lỗi khách hàng. Tuy nhiên, vai trò của các nhân viên lễ tân vào những lúc này cực kỳ quan trọng. Thái độ và cách cư xử của họ đối với các vị khách sẽ quyết định liệu họ có quay trở lại salon hay không. Chính vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn và đào tạo nhân viên cách xử lý với các khiếu nại của khách, bạn cũng đừng quên một bộ phận cũng quan trọng không kém là các nhân viên lễ tân nhé!
5. Tiết kiệm tiền với hệ thống quản lý công nghệ cao
Một khu vực lễ tân được xem là thành công, không chỉ kiếm được nhiều tiền hơn mà còn giúp cho salon tiết kiệm được nhiều khoản chi phí không đáng có. Có thể kể đến các yếu tố như:
- Có thể kiểm soát hàng trong kho một cách hiệu quả (dù là tự động hay không). Cách này sẽ giúp lễ tân dễ xoay vòng tiền mặt và xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với các nhà cung cấp.
- An toàn mạng (Cyber-security): việc có nhiều lỗ hỏng trong hệ thống có thể khiến salon của bạn mất khách, ảnh hưởng đến danh tiếng và doanh số bán hàng. Nhân viên lễ tân ở salon của bạn đang dùng tài khoản email hay sử dụng phần mềm quản lý salon đáng tin cậy? Hãy kiểm tra và đầu tư thích hợp vào vấn đề này để tránh bị tấn công hay giả mạo tài khoản, gây thiệt hại lớn cho tình hình tài chính của salon.
6. Đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên lễ tân
Các bước cuối cùng mà các chủ tiệm sẽ làm là:
- Đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên lễ tân.
- Dành thời gian để gặp mặt và thảo luận về hiệu quả công việc như bất kỳ nhân viên nào khác trong salon.
Có rất nhiều chủ salon/quản lý chỉ dành thời gian họp hành với các nhân viên và thợ nail mà không có sự tham gia của các nhân viên lễ tân. Do tính chất đặc thù mà hiệu quả công việc của lễ tân khó có thể đánh giá hơn các nhân viên khác và bạn cũng không thể đánh giá bằng cách hỏi thẳng thừng là “Tháng này đã có được bao nhiêu lịch hẹn?”.
Đây chính là lúc cần đến sự hỗ trợ của công nghệ, bạn có thể tạo tài khoản quản lý cho từng nhân viên lễ tân và có thể dễ dàng đánh giá được rất nhiều lĩnh vực khác nhau như doanh số bán lẻ của họ, những cuộc hẹn mà khách không tới (no-shows), tỉ lệ đặt tiếp lịch hẹn, số khách hàng mới có được... Sau khi đã thống kê dữ liệu đầy đủ, các chủ salon đừng quên có chính sách nhắc nhở, phê bình đối với những lễ tân đã lơ là công việc hay khen thưởng bằng tiền mặt (sản phẩm bán lẻ) với những nhân viên có hiệu suất làm việc cao và đã đóng góp vào doanh thu của salon nhé!
Thepronails.com