Kinh nghiệm đào tạo các thợ nail mới vào nghề (P1)
Việc tìm được thợ mới lấp vào chỗ trống đã đủ vất vả rồi nhưng công việc chỉ thật sự khó khăn khi bạn nhận một thợ nail có tính cách khá ổn vào làm nhưng lại hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào. Bạn sẽ đầu tư đào tạo cho người này hay để họ tự dành thời gian học hỏi và tham gia các khóa thực hành để mau “cứng” tay nghề?
Đây thật sự là một câu hỏi khó và các chủ salon khác nhau lại có những cách giải quyết khác nhau. Trong phần mở đầu này, chúng ta hãy cùng học hỏi kinh nghiệm của hai chủ salon Brenna Massa và Tutu Bently về cách họ đào tạo các “newbie” như thế nào để có thể nhanh chóng hòa nhập vào công việc kinh doanh của salon:
The Nest Nail Spa (Lakewood, Colo.)
Chủ tiệm Brenna Massa lúc nào cũng bận rộn với việc chào đón khách hàng, sắp xếp chỗ ngồi cho họ và giữ cho toàn bộ hệ thống phía sau được ổn thỏa với tổng cộng 12 người thợ nail của mình. Spa của cô ấy cung cấp một menu giới hạn với các dịch vụ chăm sóc móng chân và tay, để khách chọn lựa sơn truyền thống, sơn gel hay sơn bền màu.
Mỗi người mới khi vào salon sẽ trải qua thời gian đào tạo toàn diện, về các chính sách của salon, cách chào hỏi khách hàng, cách xử lý với các vấn đề khác nhau của khách và nơi lưu trữ các sản phẩm làm móng.
Về chuyện đào tạo kỹ năng làm móng, Massa thường giao cho hai quản lý của mình. Thợ mới sẽ thử thực hành trước mặt quản lý và sẽ được nhận các đánh giá, phản hồi cần thiết để có thể phù hợp với các tiêu chuẩn của salon. Nhờ vậy mà các thợ mới sẽ tập trung vào các kỹ năng còn yếu và tự cải thiện bản thân để ngày một tiến bộ hơn.
Ở tiệm The Nest, chủ salon không quan trọng chuyện các thợ nail có kinh nghiệm hay không. Họ tuyển người nếu cảm thấy tính cách phù hợp bởi vì theo họ, kỹ năng thì có thể được bồi đắp nhưng chính tính cách cá nhân mới tạo nên những trải nghiệm chân thật nhất của khách hàng về salon.
Massa sẽ để các thợ nail mới hỗ trợ cho các thợ nail có kinh nghiệm khác trong salon, giúp họ tự học hỏi những kỹ thuật làm móng, kỹ năng giao tiếp cần thiết... Đến khi thật sự tự tin thì họ có thể đề nghị quản lý đánh giá lại và chuyển lên vị trí thợ nail chính thức. Massa ước tính khoảng thời gian này cũng không dài, tối đa là khoảng 2 tháng.
Tutu Bently-owned salons (St. Petersburg, Fla.)
Tutu Bently đã đào tạo hơn 50 thợ nail với tư cách là chủ của ba salon ở St. Petersburg, Florida. Cô đã nhận ra một “chân lý” chung cho việc tuyển người mới, đó là ai cũng cần sự giúp đỡ khi vừa mới ra trường. Chủ salon không nên kỳ vọng những người mới tốt nghiệp sẽ làm tốt ngay từ đầu mà nên kiên nhẫn và dành sự quan tâm cho họ nhiều hơn.
Ảnh: Nailsmag
Bently chia sẻ: “Việc đầu tiên mà tôi làm khi thuê một thợ nail chưa có kinh nghiệm là để họ làm ‘manicure’. Có một điều chắc chắn là những người mới ra trường rất cần học thêm về kỹ năng sơn móng và chúng ta nên bắt đầu từ những điều đơn giản đó.”
Bently sẽ dạy cho người mới từng kỹ năng cơ bản như cách giữ lọ sơn móng như thế nào hay cách “cap” sơn khi đến rìa móng. Tiếp theo là cách tạo hình và cắt móng. Bently hài hước nói “Tôi sẽ chỉ cho họ cách dùng kiềm và cắt da biểu bì thế nào cho đúng rồi phát cho mỗi người một quả chanh để thực hành xem như là bài tập về nhà. Phương pháp này khá hiệu quả, họ càng làm nhiều thì tay càng quen với dụng cụ hơn.”
Các thợ nail mới có thể thực hành làm móng tay và móng chân cho nhân viên trong tiệm, gia đình hay bạn bè cho đến khi họ nắm vững các kỹ năng cơ bản. Càng chăm chỉ và tích lũy kinh nghiệm càng nhiều thì càng sớm trở thành thợ chính thức và kiếm được nhiều tiền hơn. Một khi đã thành thạo làm “mani/pedi” thì Bently sẽ để thợ mới làm cho khách cũng như chuyển sang đào tạo các kỹ năng cao cấp hơn như đắp móng gel hay móng acrylic. Dù là kỹ thuật nào đi nữa thì quy tắc vẫn không thay đổi, Bently sẽ hướng dẫn trước cho thợ - để họ thực hành và theo dõi, góp ý những điểm cần cải thiện – chỉ đến khi Bently cảm thấy hài lòng thì thợ nail mới làm cho khách thật.
Lời khuyên của cô dành cho các chủ salon đang muốn đào tạo thợ mới là: Hãy nhớ rằng không có ai là hoàn hảo cả. Bạn đừng e ngại việc phải đầu tư vào thợ mới bởi vì điều này không chỉ thể hiện rằng bạn đánh giá cao họ mà còn góp phần cải thiện hình ảnh của salon một cách toàn diện.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về kinh nghiệm đào tạo thợ nail mới với các phương pháp khác nhau nhưng vẫn rất hiệu quả và mang đến những người thợ nail đầy tiềm năng cho salon!
Thepronails.com