Làm sao để xây dựng “quỹ dự phòng” cho salon của bạn?
Những tình huống mà Thepronails đưa ra ở trên có vẻ đáng sợ, tuy nhiên, bạn vẫn có thể vượt qua những “sóng gió” này một cách dễ dàng nếu biết cách quản lý chi tiêu và dành cho salon một khoản tiền tiết kiệm phòng hờ bất trắc. Theo các chuyên gia quản lý salon, không có một công thức chính xác nào để salon có thể tiết kiệm tiền thành công – bởi nó phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người, mà cụ thể là của các chủ tiệm/quản lý salon. Hãy tự đặt cho mình câu hỏi “Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu cho tiệm trong vòng 3 năm, 10 năm, hay 20 năm nữa?” Khi đã nghĩ ra một khoản tiền cụ thể, bạn hãy bắt đầu lập kế hoạch (một cách thực tế và khả quan) để có thể tiết kiệm được khoản tiền đó trong thời gian đã định.
Chuyện tiết kiệm có vẻ khó khăn lúc đầu, nhất là khi bạn chỉ mới mở tiệm và có hàng trăm việc cần phải chi tiền. Tuy nhiên, bạn nên triển khai kế hoạch tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt, dù chỉ là một khoản tiền nhỏ hàng tháng. Nếu vẫn chưa biết nên bắt đầu từ đâu, chúng ta hãy cùng tham khảo một số lời khuyên từ các chuyên gia tài chính và cả các thợ nail chuyên nghiệp về vấn đề này nhé!
Tài khoản tiết kiệm của bạn
Theo Pankey – Cố vấn quản lý spa/salon của công ty JMPankey Partners thì, bạn nên lập một tài khoản tiết kiệm ngay khi bạn đã hoàn tất các chi phí hoạt động cơ bản của salon. “Nếu salon của bạn là loại nhỏ và do một người làm chủ, hay là salon đang thuê mặt bằng thì có lẽ tiết kiệm khoảng 5% thu nhập mỗi tháng là hợp lý. Bạn có thể bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm loại cơ bản hay có thể xin lời khuyên từ các cố vấn tài chính để chọn được ngân hàng tốt nhất.” Pankey cho rằng, bạn không nên “ham lời” mà gửi tiền vào các quỹ chung hay mạo hiểm đầu tư vào thị trường tài chính vốn đang bất ổn – hãy cố gắng dành dụm khoản tiền này từng chút một và với phương pháp an toàn nhất.
Khi Marita Durham – chủ tiệm Alabama’s In the Nails Day Spa bắt đầu công việc kinh doanh của mình từ những năm đầu thập niên 90, mục tiêu của cô là phải tiết kiệm được ít nhất một tháng tiền thuê và chi phí hoạt động của salon cho “quỹ rủi ro”. Cô đã tính toán và để dành 30 USD mỗi tuần và đều đặn trong nhiều tháng để hoàn thành mục tiêu.
Hay Chrisondra Davis – chủ tiệm Buff Salon ở North Carolina sử dụng ứng dụng trên điện thoại để chuyển tiền, ít nhất là 20% lợi nhuận kinh doanh mỗi tuần vào tài khoản ngân hàng của mình, cách này khá an toàn lại có thể thu được một ít tiền lời. “Bằng cách này tôi có thể trang trải bất kỳ khoản chi tiêu nào vào những ngày làm ăn không thuận lợi. Sau nhiều năm cố gắng, bạn sẽ có một nguồn vốn ổn định hơn, sẵn sàng cho việc mở rộng kinh doanh hay chỉ đơn giản là tiết kiệm cho việc nghỉ hưu sau này được thoải mái hơn.”
Có kế hoạch tiết kiệm và quyết tâm với nó
Dù công việc kinh doanh của bạn lớn hay nhỏ, nếu muốn thành công thì trước hết phải quản lý tài chính cho thật tốt. Pankey cho biết, cô đã ghé thăm hàng trăm spa/salon mỗi năm và gặp rất nhiều chủ tiệm không hề có quỹ tiết kiệm, không biết rõ khoản lợi nhuận hay thua lỗ của tiệm mình là bao nhiêu, và không quan tâm đến việc sản phẩm đã được mua và sử dụng như thế nào hàng tháng. Những điều này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt và kinh doanh ngày càng sa sút. Theo Pankey thì cách tốt nhất để “ăn ngon ngủ yên” khi điều hành một salon là xây dựng “quỹ dự phòng” càng sớm càng tốt.
“Quỹ dự phòng” hay còn gọi là “quỹ phòng ngừa rủi ro” chính là khoản tiền tiết kiệm, sẽ giúp bạn trang trải toàn bộ chi phí khi tiệm có xảy ra bất kỳ sự kiện/rủi ro nào gây thiệt hại về tài chính như hỏa hoạn, tai nạn chấn thương hay khi kinh doanh ế ẩm... Cách tốt nhất để tính xem “quỹ dự phòng” của bạn cần khoảng bao nhiêu chính là tính toán hết tất cả các chi phí hoạt động của salon trong một tháng, sau đó nhân lên khoảng 3-6 lần. Ví dụ chi tiêu của tiệm mỗi tháng là 15.000 USD và bạn muốn có “quỹ dự phòng” của khoảng 4 tháng, vậy là bạn cần khoảng 60.000 USD. Hãy cố gắng tiết kiệm để tăng dần nguồn quỹ này lên nhưng tuyệt đối không được “mềm lòng” mà sử dụng cho những vấn đề khác.
Lên kế hoạch cho các khoản mua lớn
Một khi bạn đã tiết kiệm thành công cho “quỹ dự phòng”, bạn có thể nghĩ về việc đầu tư cho salon của mình. Các doanh nghiệp mới ra đời thường phải chật vật với việc “quay vốn” hay mua sắm các thiết bị, máy móc đắt tiền (ghế pedicure, hệ thống bồn rửa...). Theo Pankey, với các khoản chi tiêu này thì dùng tiền mặt để thanh toán sẽ tốt hơn nhiều so với dùng thẻ.
Bạn có thể vay tiền từ các “leasing company” (công ty tín dụng cho thuê), và cách họ ghi nhận khoản vay của bạn sẽ có tác động đến các lợi ích về tiền mặt mà bạn nhận được. Việc vay vốn cũng sẽ giúp bạn được giảm thuế theo lãi suất và cơ hội được thay đổi, cập nhất các thiết bị mới thường xuyên hơn. Ngược lại, nếu bạn chi trả qua thẻ tín dụng, sẽ không có khoản khấu trừ thuế nào được tính.
Đôi khi các công ty bán lẻ cũng giảm giá khá nhiều nếu bạn mua hàng và trả bằng tiền mặt. Bạn có thể hỏi bên cung cấp xem có sự khác biệt nào khi thanh toán bằng thẻ và khi thanh toán bằng tiền mặt hay không để có thể tận dụng hết lợi ích của nó nếu có. Như Yvette Kirkorian, chủ tiệm French Tip Nail Salon (Glendale, California) chia sẻ, cô chỉ mua và trả tiền bằng thẻ - sau khi đã tìm hiểu các lợi ích cũng như lãi suất trên mỗi thẻ tín dụng, để đảm bảo rằng cô có thể thanh toán hết trong vài tháng nhất định.
Bạn cũng có thể học hỏi kinh nghiệm “xoay xở” của Durham như sau. Khi sắp có một sự kiện đặc biệt hay chương trình khuyến mãi nào đó của bên cung cấp và nó giúp bạn có thể tiết kiệm được một khoảng tiền đáng kể, Durham sẽ không “phụ thuộc” vào thẻ tín dụng hay vay vốn mà tìm ra nhiều cách khác nhau để “gom vốn”. “Tôi sẽ ‘chạy’ các chương trình đặc biệt trên mạng xã hội và thúc đẩy việc tiêu thụ thẻ quà tặng càng nhiều càng tốt. Có rất nhiều cách quảng bá kinh doanh để bạn có thể ‘gom’ được khoản tiền mặt cần thiết, và khi có tiền trong tay thì việc chi tiêu hay tiết kiệm như thế nào cho hiệu quả là tùy ở bạn!”
Thepronails.com