Làm thế nào để trở lại nghề nail sau một khoảng nghỉ dài?
Khi salon mà bạn làm việc bị đóng cửa hay gia đình có chuyện cần phải giải quyết thì rất nhiều thợ nail không còn lựa chọn nào khác nữa là phải ngừng làm nail một thời gian. Tuy nhiên với tình yêu nghề nghiệp cùng với tính linh động của công việc này khiến các thợ nail muốn quay trở lại. Nếu bạn đã “bỏ nghề” được một năm hay trong một khoảng thời gian dài và đang cảm thấy bối rối không biết làm thế nào để làm nail trở lại thì một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn.
Tiếp tục thực hành
Để làm mới các kỹ năng, bạn nên bắt đầu thực hành làm nail để quen tay trở lại cũng như thử dùng các sản phẩm mới đang có trên thị trường, có thể tự làm trên móng của mình hay nhờ bạn bè, người thân “giả” làm khách hàng. Thợ nail Joanna Zurbito (Burnaby, British Columbia) - cô đã nghỉ việc khoảng ba năm kể từ ngày tiệm nail mà mình làm việc phải đóng cửa, cho biết: “Tôi luôn cố gắng cập nhật các tin tức mới trong ngành Nail cũng như tìm hiểu về các sản phẩm mới. Còn Eva Jenkins - một thợ nail ở Bellevue, Neb., sau khoảng thời gian nghỉ dài cũng bắt đầu thực hành lại và làm cho bạn bè người quen của mình, cô xem đây là một cách quảng bá cho việc làm kinh doanh sau khi quay trở lại.
Nâng cao trình độ
Việc tìm kiếm những khóa học mới để nâng cao kiến thức và tay nghề cũng là một cách giúp bạn trở nên tự tin hơn. Những lớp học ở các buổi triển lãm thương mại hay của các nhà sản xuất đều sẽ giúp bạn nâng cao giá trị của mình hơn khi trở lại với nghề nail. Nếu không có điều kiện đến các lớp học, bạn cũng có thể tận dụng các khóa học online hiện có rất nhiều trên mạng với những cấp độ và kỹ thuật vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, việc học online có thể gặp nhiều khó khăn vì không có người giải đáp thắc mắc hay đánh giá sản phẩm của bạn và việc tự chủ về thời gian (muốn học khi nào học) sẽ dễ làm bạn bị trì hoãn hơn.
Tìm kiếm một cố vấn
Việc có được những lời khuyên từ những thợ nail có kinh nghiệm sẽ là một lợi thế lớn giúp bạn đi đúng “đường” hơn khi quay lại nghề. Julie Cantu - thợ nail ở Edinburg, Texas đã tìm được một người bạn thân thiết cũng là người đã giúp mình quay lại với nghề. Hai người đã từng học chung trong trường thẩm mỹ nhưng Cantu đã không lấy giấy phép sau khi hoàn thành khóa học vì cô nhận thấy trường không tập trung vào chuyện thực hành cho học viên. Nhưng gần bốn năm sau đó, khi tình cờ nhìn thấy những bức ảnh vẽ móng vô cùng xuất sắc trên Instagram, Cantu quyết định “ôn luyện” lại tay nghề để lấy giấy phép và trở thành một thợ nail chuyên nghiệp. Rất may mắn là nguyện vọng này cũng sớm thành hiện thực nhờ sự giúp đỡ của cô bạn kiêm “cố vấn viên” vô cùng nhiệt tình của cô.
Tạo ấn tượng khi phỏng vấn tìm việc
Để có thể tỏa sáng trong buổi phỏng vấn, hãy vượt qua sự căng thẳng của bạn bằng việc tập trung toàn lực vào việc chuẩn bị và sẵn sàng “phô diễn” các kỹ năng tuyệt vời của bạn. Nếu thật sự yêu thích và biết rõ mình phải làm cái gì, bạn sẽ có tự tin để trả lời bất kỳ câu hỏi nào của nhà tuyển dụng. Bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần là họ sẽ yêu cầu “working interview”- buổi phỏng vấn mà trong đó bạn sẽ phải làm thử một dịch vụ hay kỹ thuật nail nào đó. Ngoài ra còn chuẩn bị thêm một quyển “portfolio” (gồm những tấm ảnh chụp các tác phẩm móng mà bạn đã từng làm) để có thể “khoe” với người tuyển dụng nếu họ có yêu cầu.
Tạo dấu ấn riêng
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại hình salon khác nhau nên bạn có thể bị bất ngờ và “choáng ngợp” khi bắt đầu làm việc hay kinh doanh salon nail trở lại. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ thế mạnh của mình và tập trung toàn lực vào nó để tạo nên nét hấp dẫn riêng, bạn giỏi về “nail art” hay thích tạo ra những dịch vụ mani/pedi cao cấp? Phải bảo đảm rằng khách hàng biết salon của bạn luôn sử dụng những sản phẩm chất lượng, tự nhiên và an toàn với sức khỏe của họ - đây là một trong những mối quan tâm lớn của khách đến salon nail hiện nay và hãy để điều này trở thành điểm mạnh của bạn.
Như Norris khi mới quay lại nghề không nắm rõ “chân lý” này nên luôn cảm thấy bất an khi không biết làm thế nào để cạnh tranh với các salon khác. Hiện nay, anh đã tìm ra điểm mạnh của mình - đó là tập trung vào các dịch vụ spa mani/pedi để mang đến những trải nghiệm xa xỉ và đáng nhớ cho các khách hàng của mình. Cantu thì được các khách hàng yêu thích bởi những dịch vụ chăm sóc móng tự nhiên hay Zurbito hiện làm việc cho Pure5 Wellness Hub - một phòng khám tổng quát tập trung vào các sản phẩm “chay” và hữu cơ.
Luôn kiên nhẫn
Khi bắt đầu “build” khách mới, việc các thợ nail cần nhớ là phải luôn kiên nhẫn và nắm bắt mọi cơ hội để quảng bá bản thân cũng như salon nail của mình. Eva Jenkins nói rằng mình mất gần hai năm để “build” lại lượng khách cơ bản sau khi quay trở lại với nghề nail. Cô bắt đầu phát triển các chiến lược của riêng mình để thu hút khách hàng như khuyến mãi đặc biệt cho khách mới, rút thăm trúng thưởng vào dịp sinh nhật của khách… Ngoài ra cô còn tặng thẻ quà tặng cho khách khi họ giới thiệu khách mới cho tiệm.
Các trang mạng xã hội cũng có thể giúp bạn quảng bá bản thân và tiệm của mình khá hiệu quả. Các thợ nail có thể đăng các tác phẩm “nail art” của mình lên Instagram, Facebook… với các hashtag là địa chỉ salon để các khách hàng tiềm năng có thể tìm kiếm tiệm dễ dàng hơn. Nhưng cách tốt nhất để salon của bạn trở nên nổi tiếng và được các khách hàng tự quảng bá chính là tài năng và chất lượng dịch vụ mà bạn sẽ cung cấp cho họ!
Thepronails.com