Những điều cần biết về “salon franchise”
Theo NAILPRO Gold Book vào năm 2017 thì có gần 70% những người “đam mê” chăm sóc móng thường tới tiệm nail từ một đến hai lần mỗi tháng và những dịch vụ cơ bản như dịch vụ tẩy sơn móng, hay những dịch vụ như nhúng acrylic thì phát triển không ngừng. Đối với những thợ nail muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh thì việc tự mở một salon chính là bước đi vô cùng tự nhiên để có thể thưởng thức “chiếc bánh” lớn hơn - nhưng việc phải tự kinh doanh cũng mang nhiều rủi ro. Chính vì vậy, franchise (salon nhượng quyền) có lẽ là một lựa chọn an toàn hơn. Theo Reham Bastawros - Nhà sáng lập của Nail Garden với 15 địa điểm kinh doanh khác nhau ở California và Texas cho biết: “Các cửa hàng franchise hay salon nhượng quyền sẽ mang đến nhiều lợi ích vì chúng sẽ cùng chia sẻ một hình mẫu kinh doanh và các chiến lược marketing giống nhau.
Ngoài ra, bạn còn có được các chiến lược kinh doanh và tiếp thị chuyên nghiệp hay các khóa đào tạo trong ngành mà nếu ‘tự thân vận động’ sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn.” Còn theo Guy Coffey - Đồng sáng lập của công ty Frenchies Modern Nail Care với rất nhiều franchise ở Minnesota and Colorado nói rằng, việc quản lý các franchise sẽ giúp các chủ salon giảm bớt áp lực trong việc phát triển chiến lược kinh doanh, cho phép họ tập trung vào việc thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của khách hàng và tất nhiên là nhanh chóng thu được lợi nhuận hơn.
Nếu bạn đã có hứng thú nhiều hơn với ý tưởng sở hữu một salon franchise của riêng mình thì hãy cùng tìm hiểu một số thông tin cần thiết về vấn đề này nhé!
Setup
Việc mở franchise hơi khác so với việc mở salon độc lập hay thuê booth. Khi mở salon của riêng mình, bạn phải đưa ra hàng ngàn chọn lựa khác nhau, từ việc chọn phong cách trang trí, các dịch vụ sẽ xuất hiện trong menu hay phải định giá dịch vụ như thế nào cho phù hợp… với một số thợ nail có đầu óc kinh doanh thì chuyện này sẽ thú vị và đầy hào hứng, nhưng với một số người không có kinh nghiệm thì việc phải đưa ra quá nhiều quyết định có thể dẫn đến nhiều sai lầm vô cùng tốn kém.
Ảnh: Nailpro
Tuy nhiên, với các mô hình chuyển nhượng thì khác, bên đại lý (franchisee) sẽ trả phí cho công ty nhượng quyền để được phép kinh doanh dưới tên tuổi của công ty cũng như bán các sản phẩm và dịch vụ của công ty đó. Bên đại lý phải “vận hành” theo tất cả các chính sách của bên nhượng quyền, từ việc thiết kế salon cho đến các quy trình dịch vụ để bảo đảm tính thống nhất ở tất cả các địa điểm.
Việc tuân thủ các quy định này sẽ giúp các đại lý nhận ra các lợi ích thật sự của các nghiên cứu, những kinh nghiệm đã tích lũy của bên nhượng quyền cũng như để bảo vệ danh tiếng của bên nhượng quyền.
Lựa chọn đối tác
Hãy nhớ rằng, bên nhượng quyền chỉ muốn bán franchise cho các cá nhân mà họ cảm thấy sẽ kinh doanh thành công với mô hình của công ty họ. Nếu bạn đang quan tâm đến một franchise cụ thể, việc đầu tiên là bạn phải có Bảng công bố thông tin doanh nghiệp nhượng quyền (FDD - Franchise Disclosure Document) - bao gồm các thông tin chi tiết về tổ chức và tài chính. Sau đó bạn sẽ tiếp tục xem xét các yếu tố sau đây:
Những kỹ năng cần có: Hầu hết các công ty nhượng quyền sẽ tìm kiếm những đối tác có kinh nghiệm về kinh doanh và khả năng lãnh đạo trước tiên; nên bạn có phải là thợ nail đã có bằng cấp hay không không quan trọng. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải quá lo lắng nếu chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh vì những chương trình đào tạo hay các kỹ năng mà bên nhượng quyền yêu thích thường rất đa dạng và khác biệt tùy từng công ty.
Các dịch vụ sẽ cung cấp: Hãy đảm bảo rằng các dịch vụ ở franchise phải thật sự là những dịch vụ mà bạn yêu thích và làm tốt nhất. Nếu bạn có đam mê về các sản phẩm hữu cơ thì nên lựa chọn bên công ty nhượng quyền cũng có thế mạnh về chúng. Ngược lại, nếu các dịch vụ làm móng bột là “điểm mạnh” của bạn thì bạn sẽ dễ bị “loại” ở các công ty nhượng quyền chỉ cung cấp các dịch vụ chăm sóc móng tự nhiên.
Ảnh: Yelp
Danh tiếng của bên nhượng quyền: Những công ty nổi tiếng đã có tên tuổi trên thị trường sẽ giúp bạn có được khởi đầu thuận lợi hơn dù địa điểm của salon franchise ở đâu - vì bạn sẽ dễ dàng thu hút được lượng khách hàng mới mà không cần phải trải qua quá trình “chứng minh” thương hiệu. Điều này có nghĩa là bạn sẽ lập tức có khách chỉ ngay trong ngày đầu tiên khai trương. Và để “điều tra” về danh tiếng của công ty nhượng quyền thì không còn cách nào nhanh chóng và tiện lợi hơn là “search” trên mạng internet. Hãy tìm hiểu xem các khách hàng nói gì về công ty đó, những trải nghiệm về dịch vụ có chất lượng không? Có bất kỳ tin đồn hay scandal nào của họ không?
Tiềm năng phát triển trên thị trường: Tất nhiên, ai mở salon cũng mong muốn được thành công và có nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai. Chính vì vậy mà bạn nên xem xét xem liệu franchise mà bạn sắp quản lý có kế hoạch phát triển về lâu dài đối với mọi hệ thống hay không, hay các sản phẩm và quy trình hoạt động có được cải tiến ngày một tốt hơn không.
Các giá trị cốt lõi: Và cuối cùng, hãy tự hỏi bản thân rằng bạn có cảm thấy thoải mái và làm việc vui vẻ với mọi người trong tổ chức không. Bạn có cùng quan điểm và coi trọng những giá trị mà họ đang coi trọng không? Nếu tất cả những gì bạn quan tâm là mang đến những trải nghiệm cao cấp nhất cho các khách hàng của mình, vậy thì bạn có thể không phù hợp với những công ty có các chính sách cắt giảm chi phí tối đa để đạt được lợi nhuận tối đa.
Với các thợ nail chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh thì việc mở các salon franchise sẽ là bước đi phù hợp và an toàn. Tuy nhiên, để có thể tìm được những đối tác phù hợp với sở trường cũng như mục tiêu kinh doanh của mình, các bạn nên tham khảo những ý tưởng trên để có được những quyết định đúng đắn nhất!
Thepronails.com