Những lưu ý để có bản kế hoạch kinh doanh salon thành công

25-06-2018
Việc lập kế hoạch kinh doanh một cách nghiêm túc không thể bảo đảm salon của bạn có thể thành công 100% nhưng nó sẽ giúp bạn áp dụng các chiến lược kinh doanh vào thực tế một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

 

Khi bắt đầu có ý định kinh doanh salon hay tiệm nail, bạn thường nghiền ngẫm về những thứ hấp dẫn như màu sơn chủ đạo cho salon, các dịch vụ đặc biệt, lựa chọn một cái tên thật hoàn hảo cho salon - nhưng bạn đã chuẩn bị những gì với các dự đoán tài chính, các chiến lược bán hàng và phân tích thị trường?

 

laments Jaime Schrabeck (Ph.D.) - Thợ nail có giấy phép và cũng là chủ salon Precision Nails ở Carmel, California cho biết: “Khi có ý định mở salon và làm chủ, người ta thường tập trung nhiều vào việc nó sẽ trông như thế nào hơn là nó sẽ đảm nhận chức năng gì. Kế hoạch kinh doanh phải là một bài đánh giá thật toàn diện về khả năng tài chính của người làm chủ salon vì bạn đang bước chân vào một nền công nghiệp có sự cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt.” Vì thế, trước khi bắt đầu việc lựa chọn các thiết bị cho salon, bạn nên xem xét về các nền tảng cơ bản sau để có thể phát triển salon một cách thuận lợi và thành công hơn trong tương lai.

 

Lập kế hoạch kinh doanh

Trước khi thật sự lập kế hoạch kinh doanh, bạn nên “giải mã” những thông tin quan trọng nhất. Fiona Adler - Cố vấn kinh doanh ở Boston, tác giả của DoTheThings.com và là  CEO của Actioned.com cho rằng có ba loại nghiên cứu mà bạn nên thực hiện để phòng hờ các rủi ro. Đầu tiên là nghiên cứu xem việc mở salon vào thời điểm đó có phải là ý tưởng đúng đắn hay không, bạn nên cân nhắc đến các câu hỏi như kế hoạch này có khả thi không? Những rủi ro mà bạn có thể gặp phải là gì? Sau đó, bạn nên chuẩn bị kế hoạch trình bày ý tưởng này thật trơn tru và mạch lạc trước các nhà đầu tư. Nếu bạn muốn vay vốn để mở tiệm, bạn cần phải thuyết phục các nhà đầu tư hay ngân hàng về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh này.

 

 

Adler giải thích, thông thường, các kế hoạch kinh doanh sẽ bao gồm bản tóm tắt về việc điều hành, phân tích thị trường, phân tích về khả năng cạnh tranh, tình hình tài chính, kế hoạch giảm thiểu rủi ro… Cô tin rằng một kế hoạch kinh doanh hữu dụng sẽ không cần phải quá phức tạp; ngược lại càng đơn giản càng tốt, có thể trả lời những câu hỏi như những sản phẩm và dịch vụ mà bạn sẽ cung cấp là gì, đối tượng hướng tới là ai, làm sao để đạt được những điều đó. Adler đề nghị các chủ salon tương lai nên xem xét các mục tiêu biểu sau, tốt nhất là những thông tin này chỉ nên gói gọn trong khoảng 1-2 trang giấy.

 

- Tuyên bố về sứ mệnh, tầm nhìn (vision statement ): Quyết định dịch vụ và sản phẩm mà bạn sẽ cung cấp, nêu ngắn gọn nhưng rõ ràng về thị trường chiến lược của bạn để bạn có thể bám sát với nó trong suốt quá trình kinh doanh.

 

- Kế hoạch trong một năm: Đây thường là mục tiêu về tài chính (ví dụ như mục tiêu về doanh thu trong năm là bao nhiêu). Hãy đưa ra một con số có tính thử thách nhưng vẫn phải thực tế, sau đó bạn có thể chia nhỏ thành nhiều tháng để dễ hình dung hơn.

 

- Các chiến lược chủ chốt: Hoạch định các chiến lược kinh doanh của mình một cách cụ thể trong mỗi quý. Những chiến lược này thường liên quan đến việc sale hay tiếp thị, nhưng cũng có thể bao gồm cơ cấu tổ chức, cung ứng hàng hóa hay phát triển thêm những dịch vụ hot. Bạn có thể lên càng nhiều ý tưởng càng tốt, sau đó bắt đầu chọn lựa những chiến lược sẽ phù hợp với salon và khách hàng của bạn nhất - ví dụ, quảng bá chéo (cross-promotion) với các phòng tập gym của địa phương, gửi tin nhắn tiếp thị hay tập trung tăng lượng “follower” trên Instagram.

 

Cách hạn chế rủi ro

 

Có thể nói khi đã kinh doanh thì rủi ro là không thể tránh khỏi, nhất là với những người mới bước chân vào con đường kinh doanh salon nail. Tuy nhiên bạn vẫn có thể hạn chế những tình huống xấu ở mức thấp nhất nếu cân nhắc kỹ những nguyên tắc cơ bản sau:

 

- Hãy chắc rằng kế hoạch kinh doanh của bạn có vài mục trọng yếu nhất. Ví dụ như nên có phần đánh giá doanh nghiệp, phân tích thị trường, phân tích “SWOT” (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) cũng như tình hình tài chính.

 

- Sử dụng tốt các phân tích về SWOT. Sử dụng chúng để tìm hướng vượt qua các thử thách trước khi nó trở thành vấn đề lớn hơn. Khắc phụ các điểm yếu trong kế hoạch kinh doanh cũng như phát huy tối đa các điểm mạnh và cơ hội mà bạn có.

 

- Đưa ra các giải pháp chi tiết về các phân tích tài chính trước khi khai trương. Đánh giá tình hình tài chính của salon trước những tình huống không mong đợi. Nếu không thể cân bằng giữa giá cả và thu nhập có được thì bạn không nên mở salon ngay.

 

Tìm kiếm sự giúp đỡ

 

Bạn muốn tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm trước khi lập một bản kế hoạch kinh doanh hoàn hảo và tươm tất? Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ kinh nghiệm của các salon cụ thể nào đó. Jaime Schrabeck, Ph.D. - Chủ tiệm Precision Nails (Carmel, California) và Tina Alberino - Cố vấn quản lý của This Ugly Beauty Business (Tampa, Florida) lần đầu tiên đã mang chủ đề này đến với “Nail Tech Reality Check Conference” ở Chicago để có thể chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của họ cho các chủ salon. Alberino cũng cung cấp các “Gói định giá dịch vụ” (The Service Pricing Toolkit) giúp các chủ tiệm tương lai có thể đánh giá sơ bộ về chi phí điều hành (bao gồm giá thuê nhân viên và các chi phí cố định) và sau đó có thể định giá dịch vụ dễ dàng và chính xác hơn.

 

Dana Sidberry - Thợ làm thẩm mỹ có giấy phép và là CEO của Motivation Marketing Firm (Charlotte, North Carolina) cũng lưu ý rằng các thư viện địa phương cũng có rất nhiều tư liệu hữu ích cho các chủ tiệm, bao gồm các loại sách hướng dẫn cách phát triển và tận dụng tối đa lợi ích của các kế hoạch kinh doanh, trong khi đó bplans.com sẽ hỗ trợ bạn xây dựng kế hoạch kinh doanh và giới thiệu nhiều nguồn tài trợ tài chính khác nhau. Ngoài ra, nếu muốn tìm kiếm “template” (bản mẫu) chuyên nghiệp và chuẩn hơn, bạn có thể tham khảo trang dothethings.com/actionable-business-plan-template.

Thepronails.com

Copyright © Thepronails.com 2024. All Rights reserved.