Những lưu ý quan trọng trước khi thuê tiệm
Quyết định thuê nhà để mở salon nail của riêng mình là một việc đầy hào hứng nhưng tìm được một nơi hoàn hảo lại không phải chuyện dễ dàng. Đôi khi bạn rất ưng ý với một địa điểm nào đó nhưng khu vực xung quanh hay các tiện nghi lại không phù hợp với sự phát triển về lâu dài của salon.
Lisa Tep - Chủ tiệm Sensen Spa ở Vienna (Virginia) chia sẻ: “Chỗ thuê đầu tiên của tôi rất đẹp, nằm trong một tòa nhà mới xây nhưng giá thuê và các chi phí khác lại quá đắt đỏ. Sau gần 8 năm hoạt động, tôi cũng đưa ra quyết định khó khăn là nên chuyển địa điểm, một nơi nhỏ hơn cũng nằm trong vùng đó. Chúng tôi đã tiết kiệm được gần 80% chi phí mà hoạt động kinh doanh vẫn duy trì ở mức cũ.”
Nếu bạn đang cân nhắc chuyển tiệm sang một chỗ thuê khác, để không phải đau đầu xử lý nhiều vấn đề phát sinh sau này, hãy cùng chúng tôi tham khảo một số yếu tố quan trọng sau:
1. Xem xét ngân sách
Tính toán xem ngân sách của tiệm là bao nhiêu tuy khó khăn nhưng lại là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình. Ngân sách không chỉ bao gồm tiền thuê tiệm mà còn là các chi phí liên quan khác như tiền thuế, bảo hiểm, tiền điện nước, phí duy trì, sửa chữa tiệm…
Không gian tiệm càng lớn thì chi phí lại càng nhiều hơn. Theo Jeff Rohde - Chuyên gia bất động sản và cũng là nhà sáng lập công ty J Scott Digital thì các chi phí dành cho cơ sở vật chất không được vượt quá 30% so với tổng thu nhập hàng năm của salon. Ngoài ra, bạn cũng phải lưu ý đến các khoản phí, phụ thu khác của chủ thuê thường sẽ thay đổi mỗi năm trừ khi bạn đã thống nhất với họ ngay từ đầu là các khoản này sẽ tính theo tỷ lệ cố định.
2. Đối tượng khách hàng
Một khi đã xác định ngân sách, các chủ tiệm nên hình dung xem với địa điểm và không gian sắp thuê này thì sẽ thu hút những đối tượng khách hàng như thế nào? Ai sống gần đây và công việc chủ yếu của họ là gì? Liệu họ sẽ thích những dịch vụ mà salon của bạn cung cấp không?
Hãy nghĩ đến những dịch vụ là thế mạnh của tiệm bạn và đối tượng khách mà bạn muốn cung cấp dịch vụ cho họ. Với cô Vivian Xue Rahey - Chủ tiệm Pamper Nail Gallery ở Fremont (California), thách thức lớn nhất của cô là tìm được một địa điểm có thể thu hút được các khách hàng thành thị, trẻ trung - những người sẽ quan tâm đến các dịch vụ “nail art”, trị liệu chuyên sâu và tất nhiên, có khả năng chi trả cho những dịch vụ hơi đắt tiền này. “Tuy nhiên, những khu vực giàu có lại không quan tâm đến vẽ móng nghệ thuật nên chúng tôi chọn một khu mới phát triển, gần như là nằm ở trung tâm, với các khu vực sầm uất khác của Bay Area. Việc kinh doanh hiện nay của chúng tôi rất được những người trẻ ủng hộ, làm ăn rất thuận lợi.”
3. Hàng xóm của bạn là ai?
Hàng xóm ở khu vực gần tiệm có thể ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của tiệm vì hàng xóm “xấu” sẽ khiến các vị khách tránh xa tiệm của bạn. Việc xem xét toàn bộ khu vực xung quanh tiệm luôn rất cần thiết trước khi bạn bắt đầu đầu tư vào việc thuê và mở salon. Ngoài ra còn nên “điều tra” xem có tiệm nail, salon thẩm mỹ nào có hình thức kinh doanh giống với tiệm của bạn không để “chuẩn bị tâm lý”. Bạn cũng có thể kết hợp với các cơ sở làm đẹp khác (tiệm làm tóc, tiệm áo cưới) để cùng “hợp tác”, quảng bá các dịch vụ của tiệm mình cho nhau.
4. Khi đàm phán thuê tiệm
Khi bạn đã lưu ý các vấn đề trên, bước tiếp theo chính là đàm phán với chủ đất về các điều kiện thuê trước khi ký hợp đồng. Bạn có thể tìm hỗ trợ từ các chuyên gia bất động sản có kinh nghiệm, tuy nhiên nên chú ý vài vấn đề sau:
a. Không nên thuê với thời hạn quá lâu: Thường thì các chủ thuê muốn bạn ký hợp đồng thuê tiệm “dài hơi” để bảo vệ các lợi ích của mình nhiều hơn. Nhưng bạn chỉ nên ký hợp đồng thuê ngắn hạn với các điều kiện kéo dài thời gian thuê đi kèm. Tuy tiền thuê có thể cao hơn nhưng nếu sau khi kinh doanh một thời gian mà không thấy hài lòng, bạn không phải chờ đợi kết thúc hợp đồng mà có thể chuyển đi sớm hơn.
b. Thảo luận về chi phí sửa chữa, xây dựng: Nếu cảm thấy địa điểm sắp thuê cần phải được sửa chữa mới có thể mở tiệm, bạn nên đàm phán với chủ thuê để được giảm tiền thuê trong vài tháng đầu. Trong một vài trường hợp, bạn có thể nhận được “phụ cấp sửa chữa cho người thuê” (tenant improvement allowance) - một khoản tiền hỗ trợ từ chủ đất để bạn sửa chữa, nâng cấp không gian tiệm và thường được tính trên m2.
c. Hiểu rõ trách nhiệm của bạn: Hợp đồng thuê nhà (đất) giữa người thuê và chủ đất phải rõ ràng từng điều khoản, nếu không bạn có thể gặp phải nhiều rắc rối pháp lý sau này. Hầu hết các hợp đồng thuê nhà kinh doanh (commercial lease) là dạng “triple net leases” - trong đó bên cạnh tiền thuê, người thuê còn phải trả thêm tiền thuế, tiền dịch vụ chung như tiền điện nước (utilities) và các chi phí vận hành khác.
d. Đạt được “thỏa thuận không cạnh tranh”: Các chuyên gia bất động sản khuyên bạn nếu thuê nhà ở các trung tâm thương mại hay các “mall” nhỏ thì phải đạt được thỏa thuận không cạnh tranh (noncompete clause) trong hợp đồng. Điều khoản này sẽ “ngăn” các chủ đất cho các salon nail hay các hình thức kinh doanh tương tự thuê và cạnh tranh với bạn. Để các chủ đất đồng ý với điều kiện này cũng không hề dễ dàng tuy nhiên, các chủ salon - nhất là những salon mới hoàn toàn và chưa có khách quen thì đây là điều khoản rất quan trọng, giúp công việc kinh doanh của bạn được “an toàn” và không phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những tiệm xung quanh đó.
Sau khi bạn đã dành thời gian để cân nhắc về ngân sách, nhu cầu của tiệm cũng như đàm phán về các điều kiện trong hợp đồng thuê nhà, bạn chắc chắn sẽ có được một địa điểm tuyệt vời và phù hợp nhất để phát triển salon nail của mình ngày một tốt hơn!
Thepronails.com