Trách nhiệm của chủ tiệm và thợ nail đối với khách hàng

07-08-2017
Dù là chủ tiệm hay chuyên viên làm nail thì thái độ và trách nhiệm của bạn đối với khách hàng luôn là vấn đề được các vị khách quan tâm hàng đầu mỗi khi cân nhắc lựa chọn nail salon phù hợp nhu cầu của họ.

Có trách nhiệm trong công việc của mình, bổn phận giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc là phương châm phát triển hàng đầu của mỗi cửa tiệm nail. Ở đây chính là nói về trách nhiệm nghề nghiệp cũng như bổn phận đảm bảo sự an toàn cho khách hàng. Đó là một trong những vấn đề của nghề nail mà bất cứ chủ tiệm và thợ nail nào cũng sẽ gặp hằng ngày.

 

Trách nhiệm trong nghề nghiệp

Theo luật pháp quy định thì trách nhiệm này buộc chủ tiệm và chuyên viên làm nail phải chu toàn trong việc thi hành chức năng làm đẹp cho ngón tay và ngón chân của khách hàng theo như thỏa thuận của hai bên, một bên với khách hàng là người tiêu thụ và bên còn lại là người cung ứng dịch vụ gồm chủ tiệm và nhân viên nail. Trách nhiệm nghề nghiệp được chi phối bởi luật lệ về vệ sinh và nghề nghiệp của ngành thẩm mỹ, cũng như luật về khế ước thông thường. Vì vậy, chủ tiệm phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng trong trường hợp việc làm móng không đúng tiêu chuẩn hay gây ra thương tích, thiệt hại cho khách hàng.

 

 

Một số trường hợp nhẹ như móng không theo form mẫu, hoặc có sai sót thì chủ tiệm thường phải trả lại tiền hay bồi thường một khoản nào đó. Tuy nhiên, với các tình huống nghiêm trọng hơn như khách bị tổn thương do dụng cụ thiếu vệ sinh hoặc không tẩy trùng sạch sẽ gây ra, khiến da của khách bị viêm nhiễm thì nhiều chủ tiệm phải bồi thường lên đến cả triệu mỹ kim.

 

Khi gặp phải những tình huống tranh chấp như vậy, điều đầu tiên cần làm là bạn hãy bình tĩnh, tìm cách thương lượng với khách hàng để tránh những rắc rối hay kiện tụng về sau này. Nếu có bảo hiểm, nên báo ngay cho hãng bảo hiểm để họ tiến hành giải quyết cho khách hàng.

 

Trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho khách

Không chỉ có trách nhiệm làm hài lòng khách hàng, mà bạn còn phải đảm bảo an toàn cho khách trong phạm vi tiệm của mình. Ví dụ không để khách bị trượt té trong tiệm do việc thiếu bảo trì cửa tiệm hay do những khiếm khuyết trong việc xây cất, sửa chữa, hoặc hư hỏng gây ra bởi dụng cụ trong tiệm gây thương tổn cho khách hàng.

 

 

Khi ấy, chủ tiệm phải chịu bồi thường cho khách do khách hàng bị trượt té vì kiến trúc có sai sót, đổ vỡ hoặc nền nhà trơn trượt do nước đọng, các chất lỏng và hóa chất đổ ra ngoài gây hư hỏng cho đồ đạc của khách. Chủ tiệm phải có trách nhiệm giữ gìn tiệm của mình được an toàn, sạch sẽ và thiết kế nội thất một cách phù hợp. Với những lối đi tuyệt đối không để có nước hoặc để hóa chất rơi vãi trên sàn nhà, vì chúng sẽ làm khách bị trượt ngã.

 

 

Ngoài ra, sự an toàn của khách cũng được xem là sự an tâm về mặt tinh thần khi đến tiệm nail salon trải nghiệm dịch vụ làm đẹp. Những trường hợp khách hàng bị “quấy rối tình dục” trong khi làm móng vẫn còn tái diễn ở nhiều cửa tiệm. Đây không chỉ là vấn đề liên quan tới trách nhiệm dân sự mà còn cả về hình sự. Thông thường là liên quan đến việc các bà và các cô kiện các nhân viên nam quấy rối. Tất nhiên trong lúc làm việc có thể dẫn đến những sự “đụng chạm” ngoài ý muốn nhưng khái niệm “đụng chạm” và “quấy rối tình dục” hết sức mù mờ, khó thẩm định. Vì vậy bạn cần phải cẩn thận và linh hoạt trong khâu điều hành quản lý cửa tiệm. Hãy nhớ trò chuyện thân thiện với khách nhưng giữ cách ứng xử đúng mực, thận trọng trong lúc hành nghề, tránh tất cả những đụng chạm không cần thiết, và quan trọng hơn cả là luôn luôn phải có “nhân chứng” trong quá trình làm việc.

 

 

Tóm lại, trách nhiệm đối với khách hàng là một vấn đề cần phải được những người hành nghề nail quan tâm đặc biệt và tuân thủ nghiêm ngặt. Đây không chỉ là khía cạnh liên quan đến chuyện làm ăn kinh doanh, phát triển cửa tiệm mà còn là vấn đề về giấy phép và những yếu tố căn cứ vào luật pháp nữa.

Thepronails.com

Copyright © Thepronails.com 2024. All Rights reserved.