Vai trò của “ngôn ngữ hình thể” đối với sự phát triển của salon (P2)
Theo một nghiên cứu thì ngôn ngữ hình thể (body language) chiếm tới 55% thông điệp muốn truyền tải. Điều này nghĩa là những cử chỉ hình thể đóng vai trò khá quan trọng trong việc giao tiếp, có sức mạnh hơn cả những lời được nói ra. Và điều này có ảnh hưởng đáng kể đến ấn tượng và chất lượng của các dịch vụ được cung cấp.
Những thợ nail hay nhân viên trẻ hay nghĩ là họ đang làm việc trong một môi trường thân thiện, bầu không khí thì ồn ào sôi nổi không cứng nhắc như trong văn phòng nên vẫn giữ nguyên hành vi và ngôn ngữ hình thể như đang ở nhà. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì salon vẫn là một công ty – một nơi làm việc. Nếu các chủ salon quá thoải mái về vấn đề đào tạo thì các cử chỉ, hành vi quá thoải mái của nhân viên sẽ mang đến những trải nghiệm xấu cho khách hàng và làm mất đi hình ảnh chuyên nghiệp trong lòng khách. Dưới đây là một số lưu ý khác về “body language” mà các chủ salon nên chú ý trong khi đào tạo nhân viên của mình:
4. Tay và chân có thể tiết lộ cảm xúc thật của một người
- Tránh sử dụng ngón trỏ hay ngón cái khi giao tiếp vì điều này khá là thô lỗ. Thay vào đó, bạn nên đứng thẳng lưng với hai tay lồng vào nhau. Khi nói chuyện và thể hiện sự thoải mái bạn cũng có thể mở nhẹ hai từ trong ra ngoài để bớt cứng nhắc hơn.
- Khi gặp phải những vị khách khó tính và đang muốn phàn nàn, phê bình, bạn cũng không nên khoanh hai tay khi nói chuyện với khách vì điều này có thể mang thông điệp bạn đang thấy khó chịu và không muốn tiếp tục cuộc nói chuyện.
- Có thể bạn hiểu rõ về các cử chỉ thể hiện sự tự tin như nhìn thẳng đối phương, gật đầu hay tay mở rộng nhưng có một điều bạn ít chú ý khi chúng ta cảm thấy lo lắng, đó là đôi chân có thể rung và lắc lư. Ngoài ra, các cử động của đôi chân như rung, duỗi hay vặn vẹo chân sẽ thể hiện sự căng thẳng, buồn chán hay sợ sệt của một người và khách hàng có thể nhìn ra những cử chỉ này có ý nghĩa gì.
5. Có sự tiếp xúc cơ thể phù hợp
Một cái bắt tay/chạm vai thích hợp có thể tạo dựng sự thân thiết với khách hàng. Theo nghiên cứu trong ngành dịch vụ thì việc bắt tay có thể khiến khách hàng cảm thấy dễ chịu và để lại nhiều tiền tip hơn. Cụ thể hơn là tiền tip có thể tăng khoảng 14% với những vị khách có sự tiếp xúc nhẹ như chạm vai và tăng khoảng 17% với những khách được các nhân viên trong salon bắt tay hai lần.
Sự tiếp xúc nhẹ nhàng có thể khiến các vị khách thấy thân thiết và tin tưởng hơn, tuy nhiên bạn nên thực hiện nó một cách đúng mực nhất để không phản tác dụng như:
- Khi hướng dẫn khách hàng vào salon, bạn nên nhẹ nhàng dẫn khách vào với một cái chạm nhẹ vào cánh tay.
- Khi cần khoác khăn lên vai khách, bạn nên khoác một cách thật nhẹ nhàng cũng như vuốt nhẹ khăn ba lần để khăn được thẳng và phủ đều vai, cử chỉ này sẽ giúp khách cảm nhận được sự quan tâm của bạn.
- Khi kết thúc dịch vụ, bạn cũng đừng quên bắt tay và chào khách nhé!
6. Các cử chỉ nói lên rằng bạn tự tin và là một chuyên gia đáng tin cậy
Khi bạn cảm thấy bị đe dọa hay lo lắng, bạn sẽ làm gì? Vẻ mặt lo sợ, rụt vai lại và cằm thường hạ xuống. Tất cả những cử chỉ này sẽ khiến khách hàng thấy bạn là một nhân viên không đáng tin cậy. Tương tự như vậy, những cử chỉ như hay gãi đầu khi trò chuyện với khách, cắn móng tay… thường đại diện cho cảm xúc lo lắng hay buồn chán và phải tuyệt đối nên tránh nếu muốn thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn trước mắt khách hàng. Bạn nên nhớ, chỉ có phong thái tự tin và nổi bật mới có thể tạo dựng được lòng tin và khiến khách hàng “chịu chi” cho các dịch vụ của salon!
Hy vọng với các bí quyết đào tạo phong thái và sự chuyên nghiệp của nhân viên qua “body language”, các chủ salon sẽ phát triển được công việc kinh doanh ngày một thịnh vượng và tăng được lượng khách hàng trung thành cho salon của mình hơn.
Thepronails.com